Đây là loạt bài rất hay về chụp ảnh sản phẩm được Otus Studio chọn lọc và dịch lại. Mong rằng bài viết sẽ góp phần giúp quý đọc giả hiêu thêm một phần nào đó về chụp ảnh sản phẩm. Bài viết được dịch lại từ The Complete Guide to DIY Product Photography – Product photography guide for Ecommerce Entrepreneurs của Holly Cardew biên soạn.
– Bản quyền dịch thuật thuộc về © Otus Studio – Quality Engrave Value. Mọi trích dẫn phải đính kèm link gốc tới bài viết.
Phần 1: Tại Sao Chụp Ảnh Sản Phẩm Quan Trọng
Bí Kíp Tự Chụp Ảnh Sản Phẩm
Cẩm Nang Cho Các Start-Up Thương Mại Điện Tử
Phần 2
Tìm Hiểu Thuật Ngữ và Kỹ Thuật Chụp Ảnh
Nguồn: Otus Studio.
Việc thực hiện một buổi chụp ảnh sản phẩm lần đầu có thể rất mệt mỏi và nhiều việc phải làm. Nhưng khi bạn đã chụp thường xuyên thì mọi thứ diễn ra suôn sẻ hơn; và chẳng mấy chốc bạn thậm chí sẽ set ánh sáng, lên phông nền, chụp, chỉnh sửa và upload ảnh lên website mà không phải suy nghĩ gì nhiều. Nhưng trước khi bạn đạt đến mức chụp ảnh sản phẩm dễ dàng như vậy; thì chúng ta phải biết làm thế nào để thực hiện một buổi chụp thành công.
Nhiếp ảnh sản phẩm cơ bản
Nếu bạn tự chụp ảnh sản phẩm và có chi phí giới hạn thì bạn vẫn có thể có kết quả tốt bằng cách thực hiện theo các nguyên tắc sau:
Máy Ảnh
Bạn không cần phải mua một chiếc máy ảnh siêu tốt (body DSLR trên 20 triệu chẳng hạn) với một loạt các ống kính để chụp ảnh sản phẩm chuyên nghiệp. Nhưng nếu bạn đã có máy ảnh tốt như vậy rồi thì tuyệt vời! Còn không, hãy bắt đầu với những gì bạn có và mua thêm thiết bị khi cửa hàng của bạn phát triển hơn. Bạn cũng có thể chụp ảnh sản phẩm tốt và tạo ra những bức ảnh khá ổn ngay cả với một số điện thoại thông minh mới nhất.
Phông nền đơn sắc – trung tính
Chọn phông nền để chụp ảnh là rất quan trọng bởi vì nó sẽ giúp bạn rất nhiều trong quá trình hậu kỳ. Bạn có thể đầu tư vào một cuộn phông nền màu trắng chuyên dụng ( giấy hoặc PVC); nền dạng này sẽ tạo cho bạn cảm giác chuyển tiếp liền mạch cả ngang lẫn dọc. Hoặc đơn giản hơn, tìm một bức tường cong xuống sàn nhà, với loại phông nền này sẽ tạo cho bạn cảm giác không gian rỗng phía sau sản phẩm chính để mọi người có thể tập trung hơn vào chủ thể của bức hình. Nếu chi phí có hạn, bạn có thể mua một số giấy thủ công như giấy gói quà, giấy photo khổ lớn màu trắng và gắn nó trên một tấm bảng. Kết quả luôn không tệ khi phông nền của bạn có màu trắng hoặc sáng.
Nguồn: Pixc
Ánh Sáng
Ánh sáng là yếu tố chính quyết định hình ảnh sản phẩm của bạn. Bạn nên sử dụng ánh sáng tự nhiên, nếu có thể. Tốt nhất nên đặt bàn chụp ảnh bên cạnh một cửa sổ lớn với nền ảnh của bạn gắn vào tường và trải xuống bàn. Điều này mang lại cho bạn ánh sáng tốt khi chụp ảnh và bóng của sản phẩm mềm mại hơn. Nếu bóng quá gắt, bạn có thể phủ một vải hoặc giấy mỏng có khả năng tản sáng lên cửa sổ; khi đó ánh sáng xuyên qua sẽ làm bóng mềm và mịn hơn.
Bạn nên tránh ánh nắng trực tiếp. Cũng giống như đèn quá sáng, nó sẽ gắt và tạo ra những vệt bóng đậm hơn. Nếu bạn phải sử dụng đèn, thiết lập hai softbox giống nhau để đánh sáng là đủ dùng. Một cái bạn làm sáng chính (key light ) để đánh sáng sản phẩm; softbox còn lại bạn cho làm ánh sáng phụ “fill light” đánh vào bóng của sản phẩm để cho bóng biến mất hoặc xuất hiện mờ hơn.
Cầm Chắc Tay, Lấy Nét Chuẩn và Chụp Đồng Bộ
Đừng đánh giá thấp tầm quan trọng của chân máy. Tác dụng của nó là để giảm thiểu độ nhòe, rung và giúp hình ảnh sản phẩm có góc chụp đồng bộ hơn.
Nguồn: Pixc
Đối với những bạn có kiến thức nhiều hơn về nhiếp ảnh và máy ảnh của bạn có các chế độ chuyên nghiệp; bạn hãy khép khẩu nhỏ lại (f-stop khoản tầm f/8 – f/16 ) và tốc độ chụp vừa đủ để không rung ảnh mà vẫn đủ sáng. Với khẩu khép nhỏ (f/stop lớn ) như vậy sẽ giúp sản phẩm của bạn rõ hơn do trường sâu của ảnh dày hơn (hơi kỹ thuật chút chổ này! ). Máy ảnh của bạn luôn cần phải được cố định trên chân máy vì chụp như vậy sẽ rất dễ rung ảnh.
Nguồn Pixc
Xử lý hậu kỳ
Chỉnh sửa hậu kỳ là điều cần thiết khi chụp ảnh sản phẩm chuyên nghiệp; để tạo ra sự đồng bộ cho hình ảnh trên cửa hàng của bạn. Thường thì khi chụp ánh sáng hoặc nền ảnh không hoàn hảo; và hậu kỳ có thể làm được nhiều thứ để sửa và đồng bộ lại mọi thứ. Xử lý hậu kỳ có thể đơn giản như xóa nền hoặc phức tạp như chỉnh màu, bổ sung bóng đổ tạo ra cái nhìn chân thật hơn.
Tìm Hiểu về ánh sáng tự nhiên và ánh sáng nhân tạo
Chỉ có một thành tố duy nhất trong nhiếp ảnh, đó là ánh sáng. Nếu bạn hiểu được về ánh sáng cơ bản – cách nó truyền đi, phản chiếu ra sao, nhiệt độ màu thay đổi như thế nào – bạn sẽ chụp được những bức ảnh hoàn hảo. Dưới đây là hai nguồn ánh sáng chính trong nhiếp ảnh thường sử dụng.
Ánh Sáng Tự Nhiên
Nguồn: Pinterest.
Ánh sáng tự nhiên được ví von là kỳ lân của nhiếp ảnh gia. Nó luôn mang lại kết quả đẹp; nhưng thường khó nắm bắt và không ổn định để sử dụng. Khi sử dụng ánh sáng tự nhiên trong nhà, bạn nên chụp ảnh khi trời sáng nhất có thể; để có nhiều lựa chọn điều khiển ánh sáng.
Đặc biệt là Giờ vàng, khoản thời gian ngay trước khi mặt trời lặn hoặc sau khi mặt trời mọc; ánh sáng trong khoản thời gian này sẽ cung cấp cho bạn ánh sáng mềm, đẹp và đủ. Bạn có thể sử dụng các công cụ chuyên dụng như tản sáng, hắt sáng điều khiển ánh sáng tự nhiên cho kết quả tối ưu. Lưu ý, bạn cũng có thể phải di chuyển sản phẩm của mình khi mặt trời di chuyển và thay đổi ánh sáng.
Ánh Sáng Studio
Nguồn: Otus Studio.
Studio sử dụng ánh sáng nhân tạo cho phép bạn kiểm soát quá trình chụp ảnh tốt hơn; đặc biệt, nếu bạn chụp ảnh sản phẩm trong nhiều giờ liền thì điều kiện ánh sáng studio sẽ luôn cho bạn sự đồng bộ và chất lượng đồng nhất hơn . Tuy nhiên, ánh sáng studio có thể rất tốn kém; đi kèm là thời gian bỏ ra để học tập, trao dồi kiến thức từ cơ bản đến nâng cao dành cho nhiếp ảnh studio. Có nhiều loại đèn studio khác nhau và bạn nên cẩn thận khi đầu tư vào một trong số đó; nó có thể ngốn bạn từ vài triệu đến vài trăm triệu tùy theo mức độ chuyên nghiệp. Nếu bạn chỉ mới bắt đầu, một bộ hai đèn có softbox khoảng 1.200.000đ đã có thể hoạt động khá ổn.
Cái khó và cũng là cái thú vị của việc chụp ảnh sản phẩm trong studio là bạn vừa phải làm chủ được bố cục, góc chụp; vừa phải điều khiển được ánh sáng; và phân bổ sắp xếp sản phẩm cho phù hợp ý đồ của mình. Thường chụp ảnh sản phẩm trong mảng thương mại điện tử bạn cần ánh sáng đều và mịn. Để được vậy bạn cần tản nguồn sáng ra bằng cách dùng giấy, tản sáng hoặc softbox đặt lên nguồn sáng. Yếu tố khác ảnh hưởng đến ánh sáng của bạn là phông nền. Để chụp ảnh sản phẩm bạn nên dùng nền có màu trắng hoặc nhạt màu; nó sẽ tạo cảm giác sạch, tinh tươm và tập trung vào sản phẩm hơn. Để có được kết quả tốt nhất khi chụp ảnh sản phẩm trong studio thì bạn phải kết hợp hòa hòa các yếu tố trên.
Setup Studio của riêng bạn
Ánh Sáng
Nguồn: Pixc
Phần quan trọng nhất trong việc setup (và khó làm chủ nhất) là ánh sáng chính mà bạn sử dụng. Nếu bạn đang sử dụng ánh sáng tự nhiên, hãy thiết lập phông nền hoặc bàn chụp của bạn bên cạnh cửa sổ lớn. Che cửa sổ bằng một tờ giấy trắng nếu bạn cần làm dịu ánh sáng. Có một tấm hắt sáng thì càng tốt, nó có thể là tấm thạch cao, mốp xốp hoặc bất kỳ loại mặt phẳng màu trắng nào đó. Sử dụng hắt sáng từ bên trong để hắt ánh sáng ngược lại nếu sản phẩm thiếu sáng hoặc bóng quá gắt.
Nếu dùng đèn Studio, lý tưởng nhất là có ba softbox
Chú ý: chỉ nên làm khi có chút kiến thức về nhiếp ảnh nâng cao. Trong trường hợp có ba softbox, chúng sẽ là: ánh sáng chính ( key light), ánh sáng nền ( back light) và ánh sáng bổ trợ ( fill light). Mục tiêu của bạn là điều chỉnh các đèn này bằng cách thay đổi góc đèn, cường độ để sản phẩm của bạn sáng đều và loại bỏ đổ bóng hoặc làm bóng của sản phẩm mịn hơn . Ánh sáng bổ trợ ( fill) của bạn có tác dụng làm mềm bóng đổ được tạo ra từ ánh sáng chính ( key), ánh sáng nền ( back) dùng để tạo chiều sâu cho phông nền phía sau của sản phẩm.
Các nguyên tắc tương tự cũng áp dụng với hai softbox, chỉ là ở đây bạn có ít đèn hơn để sử dụng. Một đèn là ánh sáng chính và một đèn vừa là ánh sáng nền, vừa là ánh sáng bổ trợ cùng một lúc . Nếu bạn không có các thiết bị tản sáng như softbox, bạn có thể sử dụng giấy thủ công màu trắng mỏng để giảm bớt độ gắt của đèn; làm bằng cách che giấy giữa đèn và sản phẩm; điều chỉnh độ xa gần của tấm giấy để thấy hiệu ứng của ánh sáng ảnh hưởng lên sản phẩm và bóng của nó.
Phông Nền
Một phần quan trọng không kém khi setup buổi chụp ảnh sản phẩm của bạn là phông nền. Đối với những đồ vật lớn như nội thất hoặc quần áo trên manơcanh, bạn sẽ cần một bộ phông nền lớn. Đối với các sản phẩm nhỏ hơn, bạn có thể sử dụng bàn chụp. Phông nền của bạn nên mặc định là màu trắng vì nó giúp phản chiếu một số ánh sáng trở lại và cung cấp cho bạn hình ảnh đủ sáng. Điều này giúp bạn rất nhiều trong quá trình hậu xử lý, đặc biệt là khi bạn cắt nền.
Nguồn: Pixc
Sắp đặt sản phẩm
Bạn cần một bề mặt phẳng đều để đặt sản phẩm của mình. Đối với các sản phẩm lớn; bạn nên đặt trực tiếp lên phông nền đã trải phẳng đều dưới sàn. Đối với các sản phẩm nhỏ, bạn có thể sử dụng bàn chụp chuyên dụng; hoặc bất kỳ loại bàn nào mà bạn có thể trải phông nền nhỏ lên được. Bạn có thể kê bàn dựa sát tường và dán phông lên tường để nó trải đều lên bàn. Nếu có điều kiện hơn thì mua một lồng chụp sản phẩm; hay bàn chụp ảnh sản phẩm.
Hãy nhớ rằng, phông nền của bạn nên là màu trắng. Nhớ điều chỉnh ánh sáng để sản phẩm sáng đều và vệt bóng không quá đậm. Bạn cũng có thể di chuyển hoặc xoay sản phẩm của mình xung quanh để xem vệt bóng đổ ra sao trước khi chụp. Sử dụng băng keo, keo dán, dây cước hay món phụ trợ gì để sửa sản phẩm cho đúng vị trí.
Làm chủ góc chụp của bạn
Nguồn: Pixc
Góc chụp là nói về góc của máy ảnh so với sản phẩm.
Eye-Level (Góc tầm mắt) – Đây là góc chụp cơ bản nhất; cho thấy sản phẩm theo cách chúng ta nhìn chúng trong cuộc sống thực. Đó cũng là góc chụp phổ biến nhất mà tất cả chúng ta thường sử dụng nhất.
High Angle (Góc Cao) – Đây góc chụp đặt máy ảnh rất cao so với sản phẩm và chỉa xuống một góc thường khoản 30-60 độ để chụp.
Low Angle ( Góc Thấp) – Đây là góc chụp đặt máy ảnh thấp hơn so với sản phẩm và chỉa lên một góc thường khoản 30-60 độ để chụp.
Bird Eye View (Mắt Chim) (trong sắp đặt gọi là flat-lay ) – Góc này hiển thị sản phẩm trực tiếp từ trên cao, thường là góc từ 75-90 độ. Nó có thể là một shot bổ sung tốt để hiển thị một tính năng nhất định; thường dùng trong chụp ảnh sắp đặt hiện nay.
Slanted ( Góc Nghiêng) – Đây là góc chụp khi máy ảnh nghiêng sang một bên so với sản phẩm . Điều này có thể tạo ra hiệu ứng ấn tượng; tạo cảm giác hành động; thường dùng chụp giày chạy bộ chẳng hạn.
Bạn nên chụp ảnh thể loại gì và bao nhiêu là đủ?
Nguyên tắc chung là cung cấp cho khách hàng của bạn nhiều góc nhìn và chi tiết về sản phẩm nhất có thể. Giới thiệu được các chức năng, cách sử dụng và các môi trường phù hợp để sử dụng sản phẩm.
Chụp ảnh đủ để hiển thị sản phẩm từ tất cả các góc
Nguồn: Ebay.
Ảnh đại diện của bạn nên ở góc ngang tầm mắt và chụp chính diện sản phẩm. Các ảnh mô tả còn lại nên tập trung và các chức năng, cách sử dụng sản phẩm hay các góc cạnh khác. Bốn ảnh cho một sản phẩm là lý tưởng.
Người tiêu dùng thưởng thích ảnh chụp sản phẩm 360 độ vì họ có thể xem tổng quát hơn. Có thể phóng to để biết chi tiết hơn về sản phẩm. Ảnh 360 độ chỉ đơn giản là cung cấp cho khách hàng nhiều thông tin trực quan hơn và giữ chân họ lâu hơn.
Sử dụng ảnh sản phẩm để bán chất lượng sản phẩm
Hãy chụp các chi tiết thể hiện sản phẩm của bạn tốt hơn, lạ hơn trên thị trường. Nếu bạn đang bán hàng may mặc và có một mẫu quần áo đầy cảm hứng và nổi bật; hãy chụp mô tả chi tiết đó lên nhé. Bạn nên chụp cận cảnh các chi tiết vải để người tiêu dùng có thể đánh giá được chất lượng của nó.…
Giới thiệu các tính năng quan trọng nhất
Nếu bạn đang bán gối đa năng siêu nhẹ cho khách du lịch, chụp ảnh ai đó đang cầm một chiếc chỉ bằng hai ngón tay; chụp mô tả hành động xếp gối lại để cất vào và mở ra để sử dụng. Nhấn mạnh sự thoải mái của gối; bằng cách cho thấy chúng được sử dụng bởi dân du lịch chuyên nghiệp.
Sử dụng hình ảnh để thể hiện luôn hiệu quả hơn đăng bài mô tả sản phẩm.
Chụp ảnh nên có thêm các yếu tố tương tác, bổ sung sẽ giúp giải thích công năng của sản phẩm tốt hơn.Chẳng hạn như chụp ảnh quảng cáo túi đa năng; bạn nên thêm nội dung máy tính xách tay bỏ vào bên trong túi. Như vậy sẽ giúp công năng của túi được thể hiện rõ ràng hơn.
Bạn nên chụp ảnh sản phẩm đang được sử dụng hoặc tạo môi trường tương tác cho sản phẩm đó. Ví dụ, bạn đang bán kính VR kết nối với máy bay flycam chẳng hạn; chụp ảnh một người đang đeo kính VR và lơ lửng trên không là chiếc flycam. Chỉ một hình đơn giản vậy thôi có thể tiết kiệm được một bài mô tả dong dài.
Bộ Dụng Cụ Chụp Ảnh Không Thể Thiếu
Cho dù bạn chuẩn bị kỹ đến đâu cũng không bao giờ đủ cho một buổi chụp ảnh sản phẩm cả. Dưới đây là vài món bạn cần có:
Nguồn: Pixc.
Pin và bộ sạc
Bạn phải đảm bảo có pin dự phòng và bộ sạc cho tất cả các thiết bị điện tử bạn đang sử dụng. Không có gì tồi tệ hơn việc máy ảnh của bạn hết pin; hay laptop hết thở vì quên cục nguồn và bạn không thể chỉnh sửa hình ảnh của mình.
Kẹp đa năng – kẹp phông nền
Bạn sẽ không bao giờ có đủ kẹp tiện dụng. Chúng được sử dụng để giữ phông nền, gương, nền, phản sáng v.v…
Kẹp quần áo
Kẹp dùng để cài quần áo của người mẫu hoặc mannequin cho gọn lại; làm cho bộ đồ của bạn trông vừa vặn và đẹp hơn.
Bình xịt khí nén
Khi bạn sử dụng chất tẩy rửa để lau chùi sản phẩm, đôi khi sẽ để lại vài vết bẩn; đặc biệt là túi xách bằng da hoặc bằng nhựa. Một giải pháp thay thế để loại bỏ bụi bẩn là xài bình xịt khí nén. Nó thổi sạch bụi mà không làm hỏng sản phẩm; rất đỡ co khâu hậu kỳ sau này.
Dây cước câu cá
Dây cước là rất quan trọng khi bạn chụp đồ trang sức hoặc những món không dựng đứng được. Bạn có thể treo bông tai trên đó hoặc giữ những đồ vật nhỏ khác và sau đó loại bỏ dây khi hậu kỳ.
Keo dính
Keo dính có thể cứu rỗi đời bạn khi làm việc với các vật nhỏ; nó là sự thay thế tuyệt vời thay vì phải dùng băng keo.
Bàn ủi
Bàn ủi luôn phải có vì nó đảm bảo quần áo luôn thẳng tấp. Buổi chụp ảnh có thể sẽ mất nhiều thời giờ; và bạn có thể sẽ phải chụp lại quần áo bạn vừa mới xếp vào một góc. Bàn ủi tiện dụng có thể giúp bạn tiết kiệm rất nhiều thời gian và bớt ức chế.
Bút chì và giấy
Tuy có vẻ không cần nhưng bút chì và giấy có thể giúp bạn tiết kiệm rất nhiều thời gian khi bạn lên nhanh kịch bản chụp ảnh, góc máy hoặc chỉ đơn giản nhắc mua pin mới.
Kim băng
Kim băng là người bạn tốt nhất của các nhiếp ảnh gia thời trang và có thể được sử dụng để thực hiện các điều chỉnh nhỏ cho phù hợp và làm sản phẩm đẹp hơn.
Khăn lau
Đôi khi bạn rất khó chịu khi có vài hạt bụi li ti trên sản phẩm hay bạn vô ý đổ nước hoặc màu lên. Khăn luôn xuất hiện để xoa dịu cơn ức chế cho bạn; thích thì dùng lau luôn nước mắt tuổi thân nghề nghiệp.
Kéo
Trong mỗi buổi chụp ảnh, bạn có nhiều khả năng sẽ cần cắt một số thứ – có thể là giấy hoặc dây cước. Vì vậy, luôn giữ kéo trong hộp dụng cụ của bạn. Hay một con dao rọc giấy cũng được!
Băng keo
Băng keo có lẽ là mặt hàng quan trọng nhất trong hộp cứu hộ chụp ảnh của bạn. Càng nhiều loại càng tốt và ít nhất; nên có một loại siêu dính, một loại siêu trong và một loại hai mặt. Băng keo hoàn toàn có thể gánh được cả nhóm.
Nguồn: Pixc.
Định nghĩa các thuật ngữ nhiếp ảnh cơ bản:
Exposure: Phơi sáng
– Là hành động cơ bản và đầu tiên máy ảnh thực hiện để tạo ra một bức ảnh. Ảnh sáng hoặc tối như thế nào tùy thuộc và các thông số chính như khẩu độ, tốc độ, ISO và flash sync.
Aperture: Khẩu độ
– Là mức độ mở lớn hay nhỏ của ống kính để ánh sáng đi vào máy ảnh, đơn vị là f/stop. Khẩu độ kiểm soát cường độ ánh sáng đi vào máy. f/stop nhỏ là khẩu độ lớn và f/stop lớn là khẩu độ nhỏ. Nó ảnh hưởng trực tiếp đến DOF- trường sâu của ảnh.
Shutter Speed: Tốc độ màn trập
-Tốc độ màn trập hoặc thời gian phơi sáng là khoảng thời gian khi cảm biến bên trong máy ảnh tiếp xúc với ánh sáng, cũng như khi màn trập của máy ảnh mở khi chụp ảnh.
ISO: Độ nhạy sáng
– Là độ nhạy sáng của máy ảnh. ISO thấp có nghĩa là ảnh ít nhạy sáng, ít noise hơn, đồng thời đẹp hơn nếu đủ sáng. ISO cao có nghĩa là ảnh nhạy sáng hơn, nhiều noise hơn nhưng ảnh sẽ bị hạt và xấu hơn khi đủ sáng. ISO cao sử dụng trong điều kiện thiếu sáng, là một cách để bù sáng.
Flash Sync Speed
– Đơn giản là tốc độ màn chập nhanh nhất có thể sử dụng khi dùng flash.
Focus: Lấy nét
– Mọi vật đang ở trong điểm lấy nét và trên cùng một mặt phẳng lấy nét sẽ xuất hiện sắc nét và mọi thứ không vào điểm và ngoài mặt phẳng sẽ bị mờ.
Depth of Field: Trường sâu của ảnh (DOF)
– Là khoản rõ khi máy đã lấy được nét ở một điểm nhất định.
Bokeh
– Là hiệu ứng tạo ra khi mở khẩu lớn; làm cho hậu cảnh mờ đi và những điểm sáng ở hậu cảnh to ra và lấp lánh.
White Balance: Cân bằng trắng
– Điều chỉnh cân bằng trắng làm nhiệt độ màu của vật về đúng giá trị của nó. Ví dụ, màu trắng sẽ về đúng màu trắng chứ không phải vàng hay xanh dương.
Manual
– Là chế độ cho phép bạn tự điều chỉnh tất cả các thông số thay vì máy ảnh tự động chụp.
Long Exposure
– Có nghĩa là hình ảnh đã được phơi sáng trong một thời gian dài.
Exposure Compensation: Bù trừ sáng
– Một cách thao tác để máy ảnh tự điều chỉnh phơi sáng.
Aspect Ratio: Tỷ lệ khung hình
– Tỷ lệ chiều cao và chiều rộng của hình ảnh.
Digital vs Optical Zoom: Zoom kỷ thuật số và quang học
– Được sử dụng để mô tả khả năng zoom của máy ảnh. Zoom kỹ thuật số thông qua phần mềm và Zoom quang học là phần cứng máy ảnh của bạn. Zoom Quang học luôn tốt hơn.
Histogram
– Biểu đồ hiển thị số lượng và vị trí điểm sáng và tối trong ảnh.
Metering: Đo sáng
– Thước đo ánh sáng được tích hợp trong máy ảnh. Nó giúp số liệu hóa ánh sáng để bạn có thể điều chỉnh sao cho chụp ảnh đủ sáng.
Noise
– Là các hạt được tạo ra khi ISO cao khiến hình ảnh không hoàn hảo.
RAW
– Loại tệp tin hình ảnh cung cấp cho bạn nhiều quyền kiểm soát hơn khi chỉnh sửa.
Phần Ba: Chuyên Biệt về Nhiếp Ảnh Sản Phẩm Coming soon.
– Bản quyền dịch thuật thuộc về © Otus Studio – Quality Engrave Value.
Mọi trích dẫn phải đính kèm link gốc tới bài viết.